Soạn Văn lớp 10 Bộ kết nối tri thức với cuộc sống | Văn bản 1: Chùm thơ hai-cư Nhật Bản (Bài 2: Vẻ đẹp thơ ca)

Ngày 30/09/2022 10:52:19, lượt xem: 3130

Bài 2: VẺ ĐẸP THƠ CA

Văn bản 1: Chùm thơ hai-cư Nhật Bản

 

Câu 1. Hãy nhận diện hình ảnh trung tâm ở từng bài thơ hai-cư trên và cho biết đặc điểm chung của các hình ảnh ấy.

Trả lời:

Hình ảnh trung tâm ở ba bài thơ hai-cư của Ba-sô, Chi-ô và Ít-sa lần lượt là: con quạ, hoa triêu nhan, con ốc. Chúng là những hình ảnh, sự vật bình dị, thường gặp trong đời sống. Chúng hiện diện trong những dáng vẻ, tư thế tự nhiên, đơn giản. Tuy nhiên, đây cũng chính là những hình ảnh mang tính tượng trưng, thể hiện quan niệm riêng của tác giả về sự tồn tại của thế giới quanh ta.

Câu 2. Xác định mối quan hệ giữa hình ảnh trung tâm bài thơ của Ba-sô với các yếu tố không gian thời gian.

Trả lời:

Hình ảnh con quạ trong bài thơ của Ba-sô được mô tả trong thời gian buổi chiều (chiều thu), trong không gian rộng lớn, được hình dung từ gần đến xa, hẹp đến rộng (trên cành khô - đậu - chiều thu. Đặt hình ảnh con quạ - hình ảnh trung tâm của bài thơ trong tương quan với các yếu tố không gian, thời gian đã gợi nên nhiều mối tương quan về sự sống và cái chết, con người và tự nhiên, sự thoáng chốc và vĩnh cửu,...

Câu 3. Bài thơ của Chi-ô được triển khai xoay quanh phát hiện nào? Theo bạn, vì sao phát hiện này lại dẫn dắt nhân vật trữ tình sang “xin nước nhà bên”?

Trả lời:

Bài thơ của Chi-ô được triển khai xoay quanh phát hiện của nhân vật trữ tình về cây hoa triêu nhan (một loài hoa thân leo, tiếng Nhật gọi là a-xa-ga-ô, nghĩa là gương mặt ban mai, vì hoa nở buổi sáng và tàn vào lúc chiều). Buổi sáng ra giếng múc nước, nhà thơ phát hiện một dây hoa triêu nhan đã bám vào dây gầu để nở. Không muốn làm tổn thương cây hoa nhỏ bé, bà chọn giải pháp sang nhà hàng xóm xin nước. Hành động của nhà thơ cho thấy thái độ trân trọng, yêu thương thiên nhiên và một triết lí sống mang đậm tinh thần Phật giáo: trong mỗi sinh vật cỏ cây, dù đơn sơ nhỏ bé, đều là sự sống. Phải biết trân trọng sự sống.

Câu 4. Từ những đặc điểm thường được liên hệ khi hình dung về “con ốc” và “núi Fu-ji”, hãy nhận xét về tương quan giữa hai hình ảnh này.

Trả lời:

Hình ảnh “con ốc” và “núi Fu-ji” gợi nên hàng loạt tương quan đối lập, giữa một bên là sự nhỏ bé/lớn lao, bình thường/phi thường, gần gũi/kì vĩ, … Tuy nhiên bên cạnh tương quan đối lập, đọc kĩ bài thơ, ta sẽ nhận ra hai hình ảnh này còn được cấu tứ dựa trên mối quan hệ tương đồng về sự tồn tại có tính độc lập, tất yếu của sự vật. Núi có tầm vóc và sự hùng vĩ của núi. Ốc có kích thước và sự tự tại của ốc. Hai sự vật tồn tại cạnh nhau, trong ý thức bình đẳng về hiện hữu.

 

ĐỌC THÊM SOẠN VĂN LỚP 10 BỘ KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG | VĂN BẢN 5: CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ (BÀI 1: SỨC HẤP DẪN CỦA TRUYỆN KỂ)

 

Câu 5. Khoảnh khắc được thể hiện trong bài thơ của Ba-sô có thể khơi gợi những cảm xúc gì ở người đọc?

Trả lời:

Có thể hình dung bài thơ của Ba-sô như bức ảnh chụp nhanh một khoảnh khắc ấn tượng của tạo vật: khoảnh khắc một con quạ đậu trên cành khô, trong buổi chiều thu mênh mông vô cùng. Những hình ảnh này đã được lựa chọn, chúng mang tính tượng trưng. Bởi vậy, nó có thể gợi nên nhiều cảm giác khác nhau trong tâm hồn con người: chiêm nghiệm, xúc động, ưu tư, lặng lẽ, …

Câu 6. Từ bài thơ của Chi-ô, hãy bình luận về ý nghĩa triết lí trong cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên mà bài thơ gợi ra.

Trả lời:

Bài thơ của Chi-ô trước hết cho thấy lòng nhân hậu, tấm tình trìu mến yêu thương của nữ nhà thơ với thiên nhiên hoa cỏ, với đời sống tạo vật xung quanh. Nhưng không chỉ vậy, nó còn thể hiện một triết lí: tất cả mọi vật cỏ cây, dù nhỏ bé khiêm nhường, đều có cảm giác, có tình yêu và sự sống. Phải biết nâng niu, trân trọng mọi biểu hiện của sự sống.

Câu 7. Bạn cảm nhận như thế nào về hành trình “chậm trì” của con ốc trong bài thơ của Ít-sa?

Trả lời:

Đối lập với hình ảnh “núi Fu-ji” kì vì thì “con ốc” thật bé nhỏ và chậm chạp. Tuy nhiên, trong tương quan khác, trong mối quan hệ giữa nội tại với bản thân con ốc, hành trình “chậm rì” ấy có thể mang một ý nghĩa khác. Con ốc không tham vọng đo đếm hành trình của mình bằng núi Fu-ji. Nó chỉ tiến lên vì nó, cho nó. Tóm lại tốc độ “chậm rì” của con ốc nhỏ do được đánh giá từ điểm nhìn bên ngoài. Còn khi nhìn bằng “con mắt” của ốc, có thể nhận thức sẽ khác đi.

 

 

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC VĂN VIP LỚP 10 ĐỂ KHÔNG LO LẮNG TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH MỜI NHÉ!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan